Các bước để viết bài phát biểu ý nghĩa chia tay lãnh đạo

04/02/2021
4936
Mục lục

Các bước để viết bài phát biểu ý nghĩa chia tay lãnh đạo

Bạn đang băn khoăn cho việc chuẩn bị một bài phát biểu chia tay lãnh đạo thật suôn sẻ và ý nghĩa, nhưng lại không biết bắt đầu biên soạn từ đâu? viết bài phát biểu như thế nào? 5 bước viết bài chia tay sếp chi tiết sau đây sẽ giúp ích được cho bạn đấy.

Cùng tham khảo nội dung các bước để viết bài phát biểu ý nghĩa chia tay lãnh đạo đầy đủ, ý nghĩa với Trái Cây Vuông Tròn nhé.

1.Các bước quan trọng để tạo nên một bài phát biểu chia tay lãnh đạo

Để viết một bài phát biểu chia tay lãnh đạo/sếp, hay chia tay cấp trên quả thực là một nhiệm vụ khó khăn. Vì thật khó để tìm ra những lời văn thích hợp cho một buổi chia tay mà vẫn phải mang không khí vui vẻ.

Nhưng chỉ cần suy nghĩ cẩn thận, lên một kế hoạch viết bài thích hợp là bạn có thể viết một bài viết chia tay hoàn hảo. Đầu tiên, cùng điểm qua 5 bước quan trọng cho bài phát biểu chia tay sếp

  • Bước 1: Thu thập thông tin về lãnh đạo

Có 2 thông tin bạn cần thu thập để chuẩn bị cho buổi chia tay lãnh đạo: thông tin tổ chức và thông tin về sếp. Thông tin tổ chức sẽ bao gồm: thời gian, địa điểm và không gian tổ chức. Đối với thông tin về sếp, bạn cần cập nhật được những thông tin cá nhân như: tính cách, sở thích, khát vọng tương lai,...

Để có được thông tin về buổi tiệc, bạn có thể liên hệ với những đồng nghiệp được phân công setup buổi tiệc (có thể là thư ký sếp, trưởng phòng kế toán,...). Còn đối với những thông tin về sếp, hãy cố gắng tham khảo thông tin từ những người đồng nghiệp của bạn, những người làm việc cận kề với sếp trong thời gian dài, chắc chắn họ sẽ có những thông tin hữu ích.

  • Bước 2: Sàng lọc thông tin quan trọng

Sau khi thu thập thông tin đầy đủ về thời gian, không gian tổ chức buổi tiệc chia tay sếp, hãy đảm bảo rằng bạn đã tổng hợp được nhiều thông tin cá nhân về sếp và tiến hành lựa chọn những thông tin mà bạn cho thấy là chính xác và hợp lý nhất.

Thông qua việc sàng lọc thông tin, bạn sẽ hình thành được một bài phát biểu có nội dung phù hợp với khoảng thời gian phát biểu cho phép, đồng thời tạo được bất ngờ cho sếp khi những nội dung của bài viết dường như có đầy đủ, chính xác những thông tin liên quan đến sếp.

  • Bước 3: Soạn bài phát biểu theo bố cục có sẵn

Có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi phát biểu bài chia tay lãnh đạo trước tập thể, vì vậy hãy lập một dàn ý kỹ càng và hãy để ý tới những chi tiết nhỏ trong bài viết. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn và cung cấp thông tin và truyền được cảm xúc tới người nghe, đặc biệt là lãnh đạo của mình.

Có thể làm theo trình tự sau:

  • Sử dụng một câu dẫn thật dí dỏm hoặc gây xúc động người nghe ngay khi mới bắt đầu
  • Sau khi giới thiệu chủ đề chính của buổi tiệc là chia tay sếp, hãy chia sẻ tình cảm với sếp bằng cách đưa ra những cảm xúc trong suốt quá trình được làm việc với sếp, những thành tựu mà sếp đem lại cho công ty,...
  • Kết thúc bài phát biểu bằng lời chúc mà bạn đã chuẩn bị trước đó.
  • Bước 4: Bổ sung và hoàn thiện bài phát biểu

Sau khi hoàn thiện bài phát biểu, hãy soát lại một lần nữa để đảm bảo bài viết có quá sơ sài hay quá lan man. Nhớ chú ý tới cú pháp, cách ngắt câu, ngắt đoạn để đảm bảo bài phát biểu được thể hiện một cách trôi chảy nhất. Đừng sử dụng những câu văn mang tính suồng sã, sẽ khiến bài phát biểu trở nên buồn cười, thậm chí mất đi sự tôn trọng, lịch sự.

Bạn có thể hoàn thiện bài viết bằng cách hãy thử đọc cho các đồng nghiệp khác cùng nghe, biết đâu họ sẽ phát hiện ra những lỗi sai, lỗi thừa thiếu trong bài viết. Ví dụ như hãy bổ sung những lời chúc bằng những câu ngạn ngữ, tục ngữ ngắn gọn có nội dung mang tính khích lệ, chúc thành công gửi đến sếp; hoặc kết có thể kết thúc bài phát biểu chia tay lãnh đạo bằng cách mời tập thể cùng đồng thanh hô vang câu chúc “Chúc sếp thăng hoa trong thời gian tới” hay “Chúc mừng điều tốt đẹp nhất đến với sếp”.

  • Bước 5: Điều chỉnh bài phát biểu khớp với thời gian quy định

Đối với mỗi buổi tiệc, đặc biệt là trong tiệc chia tay sếp, hay chia tay cấp trên cũng đều có một timeline rất chỉn chu vì bên cạnh thời gian dành cho các bài phát biểu thì còn phần tiệc, phần tặng quà lưu niệm,... Chính vì vậy, hãy đảm bảo bạn có đủ thời gian phát biểu của mình bằng cách khớp bài viết với thời gian cho phép nhé!.

Để bài viết không bị phân chia bố cục lan man, hãy chia cấu trúc ngay từ đầu bằng cách ấn định cho bài phát biểu chỉ được phép diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Ví dụ bạn có 15 phút cho bài phát biểu, vậy hãy chia ra, phần lời chào và tuyên bố lý do chiếm 2 phút; nội dung chính xoay quanh quá trình làm việc của sếp khoảng 5 phút; mời sếp phát biểu sẽ trong khoảng 3 phút; lời chúc các thành viên gửi đến sếp khoảng 3 phút; tặng quà và kết thúc phát biểu 2 phút.

2.Gợi ý cho bạn bố cục bài phát biểu chia tay lãnh đạo chuẩn

Đối với mỗi công ty có quy mô khác nhau, truyền thống văn hóa công ty khác nhau thì sẽ có một bài phát biểu chia tay sếp, chia tay lãnh đạo khác nhau. Tuy nhiên, một bài phát biểu đầy đủ, chi tiết, được đánh giá cao thường bao gồm những phần sau:

  • Lời chào tới tập thể và giới thiệu người phát biểu:

Lời chào bắt đầu buổi tiệc chia tay chỉ thực sự được bắt đầu khi mọi người đã có mặt đầy đủ. Hãy khởi đầu bằng một câu chào, một lời giới thiệu, hoặc một lời chúc thật hay và thiện cảm.

Ví dụ: “Xin chào, thời tiết buổi chiều hôm nay thật tuyệt để chúng ta tổ chức một sự kiện vô cùng quan trọng, và tôi - Tên người đọc bài phát biểu - rất hân hạnh được tập thể tín nhiệm giao cho trọng trách đặc biệt này”.

  • Tuyên bố lý do buổi phát biểu:

Cách tuyên bố lý do tổ chức buổi tiệc mà không bị cứng nhắc, bạn có thể bắt đầu bằng những câu thơ hoặc câu nói hay về sự gặp gỡ hoặc chia tay để khơi gợi cảm xúc trong mỗi người khi có mặt tại buổi tiệc chia tay lãnh đạo hôm đó.

Ví dụ như: “Bữa tiệc nào cũng sẽ có lúc kết thúc, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng có lúc phải chia tay. Để dựa vào đó, lại có một sự khởi đầu mới… Vâng, thưa các bạn, hôm nay chúng ta có mặt tại đây để chia tay người lãnh đạo nhiệt huyết đã gắn bó với chúng ta trong suốt 5 năm qua, và để chúc mừng anh với một cương vị mới…”.

  • Tổng quát về quá trình làm việc, thăng tiến của sếp:

Để đảm bảo rằng bạn không bỏ sót những dấu mốc quan trọng trong quá trình làm việc của sếp tại công ty, hãy lưu ý những điểm như: thời điểm sếp bắt đầu lãnh đạo công ty, sếp đã đối mặt với những thử thách nào (về mặt kinh tế, thị trường, đối thủ cạnh tranh), cách sếp quan tâm và chăm sóc đời sống tinh thần toàn thể nhân viên trong công ty ra sao...

Những thông tin này bạn có thể viết ra bằng chính trải nghiệm của bản thân, hỏi trực tiếp những người đồng nghiệp cận kề bên sếp, hoặc những người đối tác thân cận với sếp.

  • Những thay đổi, thành quả mà sếp mang lại cho công ty:

Hãy tìm kiếm những thông tin này trên website của công ty, hoặc phòng marketing cũng có thể lưu giữ những bản thông cáo, tài liệu về thành quả của đội ngũ lãnh đạo công ty. Từ đó chắt lọc ra những thay đổi của công ty qua bàn tay lãnh đạo tài tình của sếp (Về quy mô công ty, các hợp đồng quan trọng với các đối tác liên tục được triển khai, các hoạt động vì cộng đồng ý nghĩa,...)

  • Nói lời chia tay sếp, mời sếp chia sẻ cảm nghĩ:

Lời chia tay sếp nên được thể hiện một cách ngắn gọn nhưng vẫn phải chứa đựng được sự chân thành và cảm xúc.

Ví dụ: “Vâng, chúng ta đã được lãnh đạo bởi một người tài ba và nhiệt huyết, thật cảm động khi sếp chuẩn bị chuyển sang những điều lớn hơn. Sếp đã tuyệt vời như một anh cả và chúng tôi mong muốn sếp sẽ cảm nhận được tình cảm và sự mến trọng đội ngũ nhân viên dành cho sếp… Và xin mời nhân vật chính của ngày hôm nay cùng chia sẻ cảm nghĩ với mọi người!”.

  • Thay mặt mọi người gửi lời cảm ơn, lời chúc đến sếp:

Sau khi sếp chia sẻ cảm nghĩ, hãy thay mặt mọi người gửi lời cảm ơn và những lời chúc tốt đẹp nhất đến người lãnh đạo của mình.

Một câu chúc hay dành cho người lãnh đạo tài ba bạn có thể sử dụng trong buổi chia tay lãnh đạo là: “Thất bại hay thành công là 2 điều trong sự nghiệp tất cả chúng ta đều sẽ gặp phải. Nhưng những kỷ niệm, những trải nghiệm được làm việc với một người lãnh đạo như sếp thì luôn lưu lại ở nơi đây, với từng này con người. Tạm biệt và chúc sếp thành công hơn nữa”.

  • Tặng quà, tặng hoa và kết thúc phát biểu:

Để kết thúc bài phát biểu, đừng quên gửi tặng sếp những món quà và hoa mọi người đã chuẩn bị từ trước (có thể là một bó hoa tươi, kèm theo là món quà như đồng hồ đeo tay, tranh treo tường, và đừng quên một tấm thiệp viết tay để sếp có thể lưu lại làm kỷ niệm, …). Sau khi tặng quà kỷ niệm cho sếp, bạn có thể khép lại bài phát biểu của mình bằng một câu cảm ơn như:

Cảm ơn sự lắng nghe của cảm ơn sếp, của các khách mời và toàn thể đồng nghiệp, bài phát biểu chia tay sếp đến đây xin khép lại, xin chúc mọi người những điều tốt lành nhất”.

Với những gợi ý về cách chuẩn bị một bài phát biểu chia tay cấp trên mà Trái Cây Vuông Tròn đưa ra trong bài viết, hy vọng sẽ là nguồn tham khảo quý, giúp bạn hoàn thiện bài phát biểu của mình thật chan chứa tình cảm, đi vào lòng sếp cũng như đồng nghiệp trong buổi tiệc đáng nhớ nhất.